Kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2023), thư viện trường giới thiệu sách: TÔI ĐI HỌC
Kính thưa quý thầy cô giáo cùng các em học sinh thân mến. Nhân dịp kỉ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2023) thư viện trường trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô cùng các em quyển sách Tôi đi học của NGƯT Nguyễn Ngọc Ký, được NXB tổng hợp TP HCM phát hành năm 2019, Sách dày 171 trang, in trên khổ giấy 14 x 20 cm. Trang bìa cuốn sách “Tôi đi học” được thiết kế với màu chủ đạo là màu trắng. Nổi bật ở chính giữa cuốn sách là hình ảnh một cậu bé đang dùng đôi bàn chân của mình nắn nót tập viết chữ bên một khung cảnh hết sức thân quen của làng quê Việt Nam. Đó chính là bức chân dung của tác giả-nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký lúc còn nhỏ. Mở qua trang bìa, chúng ta sẽ cùng nhau đến với 39 câu chuyện viết về chính tác giả. Đây là những câu chuyện rất cảm động và đầy nghị lực về những năm tháng đi học của cậu bé viết bằng chân. Năm lên 4 tuổi, sau một cơn sốt cao, Nguyễn Ngọc Ký bị liệt cà hai tay. Từ đó cậu không thể làm bất cứ việc gì bằng đôi tay của mình được nữa nhưng thấy bạn bè được đi học, cậu nhất quyết đòi bố mẹ đưa đến lớp. Lúc đầu, cậu học viết chữ bằng miệng, nhưng không được. cậu tiếp tục học viết chữ bằng đôi chân của mình với nhiều khó khăn và thử thách. Trong câu chuyện Những ngày tập viết tác giả có viết: “Chiếc bút nhỏ quá, tôi vừa cố mở ngón chân cái và ngón chân trỏ cặp lấy, chưa kịp viết bút đã rơi ngay xuống.” “Nhiều lúc tôi đã lấy hết sức cặp thật chặt bút chì, cố nắn nót từng nét một, thì cũng nhiều lúc tôi bị chuột rút đến co quắp cả ngón chân”. (Chi tiết các em sẽ được đọc tứ trang 22-28). Nhờ kiên trì khổ luyện, cậu bé Ký không chỉ viết được chữ mà còn làm những bài thủ công như đan lát, khâu vá, cắt khẩu hiệu,… bằng chân. Và chúng ta sẽ thấy niềm vui của Ký như thế nào khi Bài thủ công của được điểm 10 (trang 46). Lên cấp hai Ký còn học quay được compa bằng chân.Năm lớp 7, cậu đoạt giải năm kỳ thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc lúc đó. Và được Bác Hồ tặng thưởng huy hiệu. (Trang 88). Truyện khép lại ở câu chuyện thứ 39 có tên là Sắp xa rồi khi cậu học trò Nguyễn Ngọc Ký nhận được giấy báo của trường Đại học Tổng hợp. Nguyễn Ngọc Ký viết: “Tôi vừa sung sướng lại vừa bâng khuâng, lo lắng, hồi hôp, tiêng tiếc”... Cậu tiếc vì sắp phải xa quê hương, xa mái trường, thầy cô, bạn bè... những người đã chăm sóc, giúp đỡ, động viên cậu viết nên những dòng chữ đầu tiên của cuộc đời. Tự truyện “Tôi đi học” được Nguyễn Ngọc Ký viết năm 1966, khi bắt đầu là sinh viên khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1970, ngày Nguyễn Ngọc Ký bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp, cũng là ngày cuốn sách được ra mắt bạn đọc cả nước vớí tựa đề: “Những năm tháng không quên”. Từ đó đến nay, cuốn sách được tái bản nhiều lần với tựa “Tôi đi học” và trở thành cuốn sách không thể thiếu của nhiều thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam. Từ cậu bé tật nguyền đôi tay, được gia đình, thầy cô, bạn bè hết lòng yêu thương chăm sóc. Nguyễn Ngọc Ký đã dùng đôi chân viết nên cuộc đời mình và trở thành NGƯT. Thầy đã truyền cảm hứng cho bao thế hệ học sinh. Tuy thầy đã đi xa nhưng mãilà tấm gương sáng về nghị lực phi thường và sự cố gắng bền bỉ để đi đến thành công. Cuốn sách Tôi đi học hiện đang có ở thư viện trường mình. Rất mong quý thầy cô và các em dành thời gian cho cuốn sách đặc biệt này. Trân trọng cảm ơn quý thầy cô đã lắng nghe. Sau đây là một số hình ảnh buổi giới thiệu sách:
Chúng tôi trên mạng xã hội